Sản xuất lúa của Đồng Tháp chuyển mạnh sang hướng hữu cơ

Danh mục Tin tức

Trước nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng cao ngày càng tăng trên thị trường, nhiều nông dân tỉnh Đồng Tháp đã chuyển từ trồng lúa truyền thống sang mô hình sản xuất lúa hữu cơ chất lượng cao. Việc chuyển hướng này đã góp phần nâng cao giá trị, hướng đến xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.

Empty

Nông dân Đồng Tháp trồng lúa hữu cơ giúp giảm từ 20 - 25% chi phí, năng suất tăng bình quân 10 - 15% so với cách trồng lúa truyền thống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trước đây, ông Lê Văn Bổn ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) chỉ quen với phương pháp trồng lúa sử dụng phân bón hóa học. Khi chuyển sang trồng lúa hữu cơ, ông gặp nhiều bỡ ngỡ và chưa tin tưởng lắm về phương pháp canh tác này. Nhưng qua một vụ trồng lúa bón phân hữu cơ thu được năng suất cao, lợi nhuận khá tốt nên ông Bổn quyết định tiếp tục trồng lúa hữu cơ. Chi phí sản xuất lúa hữu cơ giảm từ 20 - 25%, năng suất tăng bình quân 10 - 15% so với cách trồng lúa truyền thống nên ông Bổn rất phấn khởi.

Ông Lê Văn Bổn cho biết, trồng lúa hữu cơ chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cũng như các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” chặt chẽ trong từng khâu kỹ thuật. Từ đó góp phần làm giảm chi phí sản xuất, làm ra sản phẩm chất lượng, bán được giá cao, giúp tăng lợi nhuận, tăng giá trị hạt gạo cho nông dân. Mô hình này không chỉ giúp bảo vệ môi trường, an toàn đối với sức khỏe người dân, mà còn đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU…

Ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết: Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu phát triển ngành hàng lúa gạo trở thành ngành chiến lược của tỉnh theo hướng bền vững, chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Theo đó, đổi mới phương thức canh tác theo hướng bền vững để giảm chi phí, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, có sự tham gia của HTX, tổ hợp tác, hội quán và doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng thương hiệu, kết nối vùng, kết nối các chuỗi phân phối trong các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích để mở rộng thị trường tiêu thụ.   

Theo ông Dũng, việc sản xuất lúa hữu cơ của bà con huyện Tháp Mười là sự chuyển đổi hiệu quả, đồng bộ với chủ trương, chính sách của tỉnh nhà. Để bà con yên tâm mở rộng diện tích canh tác lúa hữu cơ, các ngành chức năng của huyện Tháp Mười đã kết nối, hợp tác với doanh nghiệp để vừa cung cấp phân bón hữu cơ và bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Empty

Lúa trong các mô hình sản xuất hữu cơ được các doanh nghiệp bao tiêu với giá cao, qua đó đã thúc đẩy bà con mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đặc biệt thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Tháp Mười đã tích cực hỗ trợ bà con nông dân về các biện pháp khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Từ những bước đệm đó, giúp nông dân an tâm mở rộng diện tích sản lúa hữu cơ, hướng đến một ngành nông nghiệp xanh và bền vững. Đây cũng là sự khởi động đúng hướng của tỉnh Đồng Tháp, vừa góp phần thực hiện thắng lợi Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, vừa thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL.

Ông Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp cho biết: Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con nông dân thấy được lợi ích khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Việc chuyển sản xuất lúa sang hữu cơ đã tạo nên sự thay đổi tư duy của bà con nông dân, cải thiện môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao giá trị lúa gạo gắn với xuất khẩu.

Phương thức thanh toán

Kết nối với chúng tôi

Loading...